G-Sync được nhiều người đề cập đến và mong muốn sở hữu, nhưng G-Sync thực sự là gì không hẳn ai cũng biết. Vũ khí không quá bí mật này của Nvidia đã rẻ hơn so với vài năm trước, vì vậy, bây giờ là một thời điểm tốt để suy nghĩ xem liệu có nên đầu tư vào G-Sync không.

Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp mọi thứ bạn cần biết về công nghệ G-Sync của Nvidia.

G-Sync hoạt động như thế nào?

Để hiểu G-Sync, trước tiên chúng ta phải hiểu về V-sync và các hạn chế của nó.

Bạn có thể quen với V-sync hơn. Công nghệ này giới hạn tốc độ khung hình của game bằng với tốc độ refresh màn hình. Vì vậy, nếu có màn hình 60hz, 75hz hoặc 120hz, tốc độ khung hình trên một game cũng sẽ đạt tối đa tương ứng là 60hz, 75hz hoặc 120hz. Điều này là rất quan trọng để ngăn ngừa hiện tượng screen tearing (rách hình), tức là các dòng bị vỡ xuất hiện trên màn hình trong lúc chơi game, khi GPU đang hiển thị các khung hình ở một tốc độ khác so với màn hình.

Ngày nay, máy tính sắp xếp hình ảnh để gửi đến màn hình bằng cách sử dụng kỹ thuật double buffering hoặc triple buffering. Về cơ bản là chuẩn bị một hoặc hai khung hình tiếp theo trong khi một khung hình khác đang được hiển thị trên màn hình. Để tránh làm “rách hình”, V-sync sẽ gây ra một độ trễ để đảm bảo rằng màn hình đã sẵn sàng cho khung hình tiếp theo (hiện tượng lag).

Hiện tượng rách hình

Ngoài ra, nếu chỉ sử dụng double buffering (như hầu hết các game), thì người dùng có thể thấy tình trạng sụt FPS (FPS drop) nghiêm trọng. Đây là vấn đề khi card đồ họa không đủ mạnh để xuất ra ở tốc độ khung hình cao liên tục trong một game nhất định.

Phần thông tin trên hơi dài nhưng nó giúp việc giải thích về G-Sync nhanh hơn nhiều.

Một màn hình được trang bị công nghệ G-Sync có khả năng tạo ra VRR (Variable Refresh Rate), liên tục thích ứng với tốc độ kết xuất khung hình của GPU Nvidia (G-Sync là công nghệ của Nvidia, do đó, nó độc quyền trên card đồ họa Nvidia). Điều này giúp loại bỏ hoàn toàn hiện tượng “rách hình” vì tốc độ kết xuất khung hình của GPU không bao giờ vượt quá tốc độ refresh của màn hình, loại bỏ các hiện tượng sụt FPS xuất hiện trên V-sync và giảm độ trễ đầu vào vì màn hình không còn phải duy trì kỹ thuật buffering nữa.

G-Sync có đáng giá không?

Giá trị

Đầu tiên, nó phụ thuộc vào mức độ “hardcore” của game thủ và loại game sẽ chơi. G-Sync tạo ra độ trễ đầu vào thấp, hiệu suất ổn định hơn và không bị “rách hình”.

Nếu sở hữu một card đồ họa cao cấp với tính năng V-sync thông thường, thì bạn sẽ có được hiệu suất và tốc độ khung hình ổn định mong muốn, ngay cả trên màn hình không có G-Sync. Vẫn sẽ có hiện tượng lag hay độ trễ đầu vào, nhưng mức độ nghiêm trọng của điều này phụ thuộc vào màn hình đang sử dụng. Các nhà sản xuất có xu hướng không đề cập đến độ trễ đầu vào khi quảng cáo màn hình của mình, nhưng trang web tiện dụng này có thể giúp tìm ra độ trễ của màn hình: https://displaylag.com/display-database/

G-Sync hiện đã tương thích với màn hình FreeSync

G-Sync tương thích với màn hình FreeSync

Nvidia đã thực hiện một động thái đáng hoan nghênh gần đây để giúp G-sync dễ tiếp cận hơn tới các game thủ. Vào tháng 1 năm 2019, Nvidia tuyên bố rằng họ sẽ phát hành bản cập nhật driver giúp GPU của hãng này có khả năng hoạt động với màn hình FreeSync. FreeSync cũng giống như G-sync, được AMD phát triển, nhưng bây giờ bản thay thế này đã không còn được sử dụng nữa. Người dùng không cần phải sử dụng GPU AMD để tận dụng màn hình sở hữu công nghệ FreeSync.

Về mặt kinh doanh, thật hợp lý khi Nvidia thực hiện điều này, vì người tiêu dùng không hướng tới việc mua GPU AMD cho màn hình FreeSync của họ. Nhưng đồng thời nó cũng là một tin tốt cho người tiêu dùng, vì màn hình FreeSync có xu hướng rẻ hơn nhiều so với G-Sync.

Nvidia chỉ tuyên bố 12 màn hình FreeSync hiện tại tương thích với G-Sync, nhưng con số này sẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian tới. Từ bây giờ hãy để mắt đến nhãn có ghi “G-Sync Compatible” (tương thích với G-Sync) trên sản phẩm.

Khả năng tiếp cận của G-Sync với thị trường đã tăng đáng kể trong năm ngoái. Ngay cả các GPU Nvidia giá rẻ, bình dân (từ GPU GeForce GTX 650 Ti trở lên đều có G-Sync) cũng sở hữu công nghệ G-Sync và thực tế là ngày càng nhiều màn hình FreeSync tương thích với G-Sync. Do đó, hãy thường xuyên theo dõi thị trường để nắm bắt kịp thời các thông tin.

Nếu sở hữu một GPU cao cấp có khả năng tối đa hóa tốc độ refresh màn hình một cách ổn định, thì người dùng sẽ nhận thấy sự khác biệt khi nâng cấp lên G-Sync. Tuy nhiên, nếu đã có GPU được trang bị G-Sync và đang nghĩ đến việc nâng cấp màn hình, thì màn hình G-Sync (hoặc FreeSync) là sự lựa chọn đúng đắn.

Câu hỏi liệu G-Sync (hay người anh em AMD của nó, FreeSync) có đáng giá hay không sẽ còn được các game thủ tranh luận trong một vài năm nữa. Tất cả các GPU mới do Nvidia sản xuất hiện đều đã có công nghệ G-Sync và các màn hình sở hữu công nghệ này ngày càng rẻ hơn.

Nguồn: Quản trị mạng