Nhưng giờ khi công nghệ đã đủ chín, cuộc đua của các hãng không chỉ còn dừng lại ở việc chạm tới những ngưỡng tần số quét cao tới mức mắt thường không còn phân biệt được nữa, mà còn tạo ra những giải pháp giá hợp lý phục vụ cho nhu cầu của những gamer không mấy khi dư dả tài chính. Và bỗng nhiên, ở phân khúc màn hình 24 inch 144Hz trở lên, giờ đang có không ít ứng cử viên rất cạnh tranh: AOC C24G, Lenovo G25, Samsung Odyssey G3, Viewsonic VX2418, LG 24GL600…
Và Gigabyte G24F cũng là một trong số đó, với tấm nền IPS LCD, tần số quét tối đa 170Hz, và mức giá khoảng 5 triệu Đồng.
Từ rất nhiều năm nay, Full HD 24 inch đã trở thành tiêu chuẩn cho thể thao điện tử, nơi cân bằng hoàn hảo giữa kích thước và độ phân giải màn hình, cũng như hiệu năng cần thiết từ những cỗ máy tính để tạo ra trải nghiệm game hoàn hảo nhất. 27 inch thì quá to, những anh em chơi FPS thích ngồi sát màn hình để nhìn đối thủ dễ hơn sẽ thấy bị ngợp, còn độ phân giải 2K thì lại phù hợp hơn đối với những game cốt truyện, nơi vẻ đẹp của thế giới ảo là ưu tiên số 1.Vả lại, trong trường hợp của chính bản thân mình, một người chơi CS:GO lâu năm, thì thậm chí đến Full HD đôi khi còn không cần thiết. Nếu anh em là những người chơi tựa game bắn súng này một cách nghiêm túc, thì sẽ thấy tuyệt đại đa số những gamer chuyên nghiệp chọn những độ phân giải rất thấp, như 1280×960 và hạ hết tùy chọn đồ họa xuống để game chạy ở tốc độ 300, thậm chí có lúc là 500 FPS. Lợi ích cơ bản của việc cố tình chơi game xấu như thế này là tốc độ khung hình cực kỳ ổn định, và mô hình nhân vật cũng to hơn, dễ ngắm bắn hơn nữa.
Dĩ nhiên anh em chơi Valorant, Liên Minh hay DOTA 2 thì không như thế, và CS:GO là một cái tên lạ, rất lạ của làng game, tới mức hiếm khi mình lấy trò chơi đó ra làm ví dụ đánh giá sức mạnh phần cứng PC. Nhưng, G24F được tạo ra nhằm mục đích phục vụ những người chơi game eSports, và trong số đó lượng người chơi CS:GO ở Việt Nam rất đông đảo. Vì thế thay vì nói đến thiết kế và tổng quan, hãy nhảy ngay vào một trận deathmatch để xem chiếc màn hình của chúng ta vận hành ổn tới đâu.
Ở độ phân giải 1280×960 full màn hình, và tần số quét tối đa 170Hz, phải thừa nhận riêng bản thân chiếc màn hình sẽ không giúp anh em chiến thắng mọi trận đấu, nhưng chắc chắn nó sẽ đóng góp được rất nhiều. Phần còn lại chính là kỹ năng của anh em. Tần số quét cao hơn, thì khả năng kết hợp giữa đôi tay và đôi mắt sẽ trở nên mượt mà hơn, từng cú vẩy chuột vào vị trí địch cũng chính xác hơn.
Tương tự như vậy với Valorant. Kết hợp G24F với hệ thống PC của mình (Core i5-10600K và RTX 2080 Super), ở độ phân giải Full HD max đồ họa, game vẫn đáp ứng tốt mục tiêu tối thiểu 300 FPS, dù dĩ nhiên trên màn hình cũng chỉ hiển thị được tối đa 170 khung hình một giây vì giới hạn của tần số quét. Xin phép được nhắc lại, máy khỏe màn mượt không khiến anh em chơi game giỏi hơn, nhưng chắc chắn nó giúp những trận đấu trở nên dễ dàng hơn, và kỹ năng cũng được trau dồi tốt hơn.
Cùng với đó, nếu tài chính không dư dả, thì G24F hoàn toàn có thể trở thành một món đồ chơi phục vụ hệ thống giải trí cá nhân, như trong trường hợp của mình là kết nối nó với PC thông qua cổng Display Port 1.2, và kết nối với PS5 thông qua cổng HDMI 2.0. Vì chỉ có độ phân giải 1080p, nên chỉ cần HDMI 2.0 là anh em đã có thể trải nghiệm những game như Uncharted: The Legacy Collection, Call of Duty Warzone hay DiRT 5 ở chế độ 120 FPS rồi. Có điều hơi đáng tiếc là chiếc G24F không có loa tích hợp, nên muốn chơi game với console, anh em vẫn cần một cặp headset hoặc kết nối cổng 3.5mm ra loa ngoài để chơi game đã nhất.Khả năng nhận tín hiệu nguồn hình 4K rồi hạ xuống chất lượng Full HD của G24F cũng rất tiện đối với mình, khi chiếc màn hình không phải rào cản để capture card ghi lại những đoạn footage 4K 60 FPS làm đánh giá game cho anh em. Ấy là chưa kể nếu muốn capture hình ảnh chuẩn HDR cũng được vì màn hình này cho phép đọc nội dung HDR. Chỉ có vấn đề là với độ sáng chỉ khoảng 300 cd/m2, độ phân giải động 1000:1, đọc được là một chuyện, còn hiển thị ấn tượng những nội dung clip hay game HDR lại là chuyện khác. Và cũng xin anh em đừng kỳ vọng ở mức giá này, anh em sẽ được sở hữu một chiếc màn hình chiến game HDR ấn tượng như những chiếc TV cao cấp.
Tác vụ kể trên, có lẽ chỉ có mình cần, vì chẳng mấy ai cần dùng tới capture card để chơi game, ngoại trừ những streamer hoặc anh em reviewer. Dù vậy đó vẫn là một điểm cộng đáng nhắc đến.
Cũng nhờ trải nghiệm kết hợp cả PC lẫn console, mà chúng ta có thể nói một chút sang thiết kế có phần nền nã, ít hầm hố của chiếc màn hình này. Tính năng của chân đế thì có vẻ cơ bản, nhưng quan trọng nhất là phần chân mỏng, không choán diện tích bàn làm việc, anh em có thể đẩy bàn phím lên đó cho gọn gàng. Chính giữa chân đế là lỗ chạy dây để “túm” hết những cọng dây nguồn, dây HDMI và Display Port lại một chỗ, cũng phục vụ mục đích làm ngăn nắp góc chơi game.
Còn bản thân tính năng chỉnh góc nghiêng, ngửa 20 độ cúi 5 độ lại là một chi tiết đã trở thành tiêu chuẩn của thế giới màn hình vi tính, cần phải có, nếu không chắc chắn sẽ tạo ra điểm trừ.
Có hai điểm rất hay mà mình thích ở G24F.
Thứ nhất là menu OSD tinh chỉnh hình ảnh rất mượt, mỗi lần di chuyển trong các menu con để chỉnh hình ảnh và chế độ không phải chờ đợi lâu, và vị trí của nút OSD cũng rất tiện, thò tay phải ra phía sau màn hình là thấy ngay, không phải ở cạnh dưới màn hình như vài sản phẩm khác.
Điểm thứ hai là màn hỗ trợ dùng ngàm VESA để lắp arm, giúp góc “làm việc” của anh em rộng rãi gọn gàng hơn nhiều. Nói cách khác, những trang bị đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản của màn hình máy tính, G24F đều có.
Và, ở một khúc ngoặt tương đối bất ngờ, là sự ấn tượng đến từ độ chính xác màu sắc của G24F. Bắt đầu trải nghiệm chiếc màn hình này, mình không kỳ vọng nhiều, vì dù sao ở mức giá 5 triệu Đồng và định hướng tới phần đông gamer PC, cũng khó có thể trông chờ chất lượng màu sắc của G24F phải kinh khủng như những mẫu màn hình dành cho dân thiết kế. Nhưng với kết quả đo đạc bằng Datacolor SpyderX Elite, độ phủ 100% dải màu sRGB và 87% dải màu DCI-P3 là kết quả không quá khác biệt so với những lời quảng cáo của Gigabyte. Những màn chơi vẫn sẽ rực rỡ, nhưng trong giới hạn của tiêu chuẩn Standard Dynamic Range.
Cũng cần phải nói đến một trong những vấn đề cơ bản của màn hình LCD, là tình trạng hở sáng, nó vẫn hiện diện trên mẫu màn hình này, chỉ là không quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm game mà thôi. Trong trường hợp của mình là góc dưới bên trái tấm nền.
Tựu chung lại, tần số quét của màn nhanh, phản hồi và độ trễ tốt, thiết kế ổn, đủ cổng kết nối cho cùng lúc 3 thiết bị, có cả 2 cổng USB 3.0 để lắp light strip RGB cho đẹp, thì có lý do gì không chọn Gigabyte G24F thay vì những lựa chọn màn hình 24 inch 144Hz khác? Có điểm trừ nào đáng đề cập đối với mẫu màn hình này hay không? Đáng tiếc là có.
Để công bằng với Gigabyte, chiếc màn hình họ gửi để mình trải nghiệm không gặp vấn đề gì đáng ngại cả. Nhưng sau 2 ngày liên tục tìm những phản hồi của cộng đồng trên các mạng xã hội, vài người phàn nàn về hai vấn đề chính, thứ nhất là điểm chết trên màn hình có thể xuất hiện, và thứ hai là hiện tượng coil whine, tiếng rít khá khó chịu từ bên trong màn khi đẩy tần số quét qua ngưỡng 120Hz. Hai vấn đề này đều có thể được giải quyết bằng cách kiểm tra thật kỹ chiếc màn hình ngoài cửa hàng anh em mua, và đổi chiếc mới nếu cần thiết.
Còn nếu may mắn chọn được chiếc G24F vận hành hoàn hảo, thì anh em sẽ được trải nghiệm một trong những màn hình gaming bình dân tốt nhất ở thời điểm hiện tại, phù hợp với số đông những người chơi game eSport, dù là chơi điện tử cho vui hay try hard leo rank.