Nên chọn cáp nào giữa DisplayPort và HDMI?

Anh em hẳn không còn lạ gì giữa cổng xuất tín hiệu hình ảnh DisplayPort và HDMI – 2 tùy chọn rất phổ biến trên các mẫu card đồ họa hiện tại. Còn trên màn hình, ngoài những sản phẩm giá quá rẻ (phổ thông) thì hầu như cũng đều có cả 2 cổng này. Vậy sự khác biệt giữa DisplayPort và HDMI là gì, và anh em nên sử dụng cổng/cáp nào cho hệ thống máy tính? Câu trả lời là “còn tùy”, mời anh em cùng tìm hiểu vì sao lại như thế nhé?

 


Cổng HDMI thường được bắt gặp trên TV, cho phép thiết bị truyền tải đồng thời cả tín hiệu video và âm thanh chỉ với 1 sợi cáp. Có nhiều phiên bản HDMI, được nâng cấp về chất lượng, băng thông và cả khả năng truyền tải theo từng thế hệ, mình tổng hợp ngay dưới đây từ cũ nhất đến mới nhất nhé.

displayport_hdmi_chon_loai_nao_tinhte-2.jpg

 

  • HDMI 1.0: ra mắt vào tháng 12/2002, hỗ trợ truyền tín hiệu video kỹ thuật số tiêu chuẩn hoặc độ nét cao (tối đa 1920 x 1200 60 Hz), cùng với tín hiệu âm thanh 8 kênh LPCM/192 kHz/24-bit, được gom chung lại trong 1 sợi cáp, băng thông 4.95 Gbps. HDMI 1.0 hỗ trợ 8 bit màu RGB hoặc YCbCr 4:4:4 subsampling, tăng lên 10 bit hoặc 12 bit với YCbCr 4:2:2 subsampling.
  • HDMI 1.1: tháng 5/2004, được nâng cấp thêm khả năng truyền tín hiệu âm thanh vòm Dolby Digital, DTS (Digital Theater Systems) và DVD-Audio, tối đa 7.1 kênh PCM (Pulse-Code Modulation).
  • HDMI 1.2: tháng 8/2005, có thể truyền tín hiệu âm thanh One Bit Audio, sử dụng trên SACD (Super Audio CD) kỹ thuật số, tối đa 8 kênh.
  • HDMI 1.3 | HDMI 1.3a: tháng 6/2006, tăng băng thông lên 10.2 Gbps, hỗ trợ độ phân giải đến 1920 x 1080 120 Hz hoặc 2560 x 1440 60 Hz, độ sâu màu 10 bit, 12 bit và 16 bit, âm thanh Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio. Thời điểm này cũng xuất hiện cổng Mini HDMI. Tháng 11/2006, HDMI 1.3a ra đời với vài chỉnh sửa nhỏ.
  • HDMI 1.4: tháng 5/2009, thêm tín hiệu Ethernet (HEC – HDMI Ethernet Channel) 100 Mbps, hỗ trợ Audio Return Channel (ARC), tín hiệu 3D, so với HDMI 1.3 thì hỗ trợ thêm độ phân giải 3840 x 2160 24/25/30 Hz, 4096 x 2160 24 Hz. Cổng Micro HDMI cũng xuất hiện, đáp ứng cho các thiết bị mỏng gọn hơn. Ngoài ra, HDMI Automotive cũng ra mắt để sử dụng trên xe hơi.
  • HDMI 2.0: tháng 9/2013, tăng băng thông lên 18 Gbps, truyền tín hiệu ở độ phân giải 4K 60 Hz và 8 bit màu, âm thanh tối đa 32 kênh, Dolby Atmos, DTS:X và Auro-3D. HDMI 2.0 cho phép truyền 2 luồng video độc lập để xem trên cùng 1 màn hình. HDMI 2.0a hỗ trợ HDR, Dolby Vision, trong khi HDMI 2.0b mở rộng sang định dạng HLG (Hybrid Log Gamma).
  • HDMI 2.1: tháng 11/2017, độ phân giải đến 10K 120 Hz, gam màu rộng đến 16 bit (BT2020), hỗ trợ bất kỳ định dạng HDR nào mà ngay cả HDMI 2.0a/b chưa hỗ trợ. Phiên bản này bổ sung thêm eARC, tương thích với Digital Plus, Dolby TrueHD, Dolby Atmos, DTS-HD, DTS-HD Master Audio và DTS:X. Tính năng VRR (Variable Refresh Rate) hỗ trợ cho game, băng thông lên đến 48 Gbps.


Ngoài việc có nhiều phiên bản, HDMI còn có nhiều kiểu cổng cắm khác nhau, anh em tham khảo thêm trước khi mua cáp để có khả năng tương thích và hỗ trợ tốt nhất với hệ thống của mình.


Trong khi hầu như tất cả các cổng HDMI hiện đại ngày nay đều hỗ trợ công nghệ AMD FreeSync thì phía NVIDIA với G-SYNC có thể không hoạt động mà chỉ tương thích khi sử dụng DisplayPort. Khả năng đồng bộ hóa tốc độ khung hình giữa card đồ họa và tần số quét của màn hình sẽ mang lại lợi ích lớn khi anh em chơi game, loại bỏ tình trạng xé hình do sự chênh lệch giữa 2 thông số này. Vì vậy nếu máy tính dùng card AMD, anh em có thể chọn xuất hình qua cổng nào cũng được, nhưng nếu là NVIDIA thì cần kiểm tra kỹ và dễ hơn thì cứ xuất từ DisplayPort.


DisplayPort trông sơ qua thì cũng có nét giống giống HDMI nhưng lại có nhiều điểm khác biệt. Anh em sẽ thấy sự hiện diện của DisplayPort nhiều hơn trên card đồ họa máy tính, màn hình máy tính nhưng rất khó gặp trên TV. Những phiên bản của DisplayPort gồm:

displayport_hdmi_chon_loai_nao_tinhte-1.jpeg

 

  • DisplayPort 1.0 – 1.1: tháng 5/2006 ra mắt phiên bản đầu tiên, được chứng nhận bởi VESA, tiếp theo là bản 1.1 vào tháng 4/2007 và 1.1a vào tháng 1/2008. DisplayPort thế hệ đầu tiên có băng thông tối đa 10.8 Gbps, hỗ trợ độ phân giải 3480 x 2160 30 Hz. Ngay từ phiên bản đầu tiên, DisplayPort đã hỗ trợ độ sâu màu đến 16 bit.
  • DisplayPort 1.2: hỗ trợ độ phân giải 3840 x 2160 60 Hz, băng thông tối đa 21.6 Gbps.
  • DisplayPort 1.3: độ phân giải 3840 x 2160 120 Hz, hỗ trợ 7680 x 4320 30 Hz, băng thông lớn nhất 32.4 Gbps. Thế hệ này cũng hỗ trợ đầy đủ các không gian màu, từ sRGB, Adode RGB đến DCI-P3 và BT2020.
  • DisplayPort 1.4: 7680 x 4320 60 Hz, HDR, băng thông giữ nguyên như thế hệ 1.3.
  • DisplayPort 2.0: 7680 x 4320 120 Hz, băng thông đạt mức 80 Gbps. Phiên bản 2.0 cũng có khả năng hỗ trợ 16K với HDR ở 60 Hz và 10K không HDR ở 80 Hz.


DisplayPort có khả năng tương thích với AMD FreeSync và NVIDIA G-SYNC, vì vậy anh em nếu xuất hình từ cổng này sẽ không cần băn khoăn điều gì. Ngoài ra, DisplayPort còn có 1 tính năng khá hay là daisy chaining, cho phép hiển thị nội dung trên nhiều màn hình cùng lúc mà chỉ cần cáp DisplayPort và kết nối các màn hình kiểu nối tiếp là được, không cần bộ chia tín hiệu. Cổng DisplayPort cũng được thiết kế với khóa gài, giúp cố định chúng chắc chắn hơn HDMI, tuy nhiên đôi lúc cũng khó chịu khi phải tháo gỡ cáp ở những vị trí nhỏ hẹp.

 

displayport_hdmi_chon_loai_nao_tinhte-3.jpg

Khả năng hỗ trợ cũng như phiên bản DisplayPort hay HDMI trên card đồ họa và màn hình cũng là điểm cần chú ý. Nếu như thiết bị có DisplayPort 1.4 và HDMI 2.0, lựa chọn HDMI sẽ tốt hơn về lý thuyết (dĩ nhiên cần đi cùng cáp tương ứng). Thông thường, cáp DisplayPort có băng thông cao hơn cáp HDMI, đồng nghĩa với việc cáp sẽ truyền được nhiều tín hiệu hơn cùng lúc. Điều này sẽ là lợi thế nếu anh em muốn kết nối nhiều màn hình với máy tính của mình bằng daisy chaining. Trong trường hợp sử dụng với các máy console, cáp HDMI là bắt buộc trừ khi anh em mua thêm cáp chuyển đổi để sử dụng DisplayPort. Tuy nhiên, cá nhân mình không thích những loại chuyển đổi cho lắm, ngoại trừ việc rắc rối và phức tạp hơn, tìm kiếm 1 đầu chuyển hay cáp chuyển có chất lượng cũng không dễ và giá thành đắt đỏ.
Nguồn: Tinh Tế